Hoạt động công ty
Khu Quản lý đường bộ 5: “Đói” vốn bảo trì đường bộ.

Đường xấu - tiền ít đã trở thành điệp khúc muôn thuở và là thử thách không nhỏ đối với Khu QLĐB5 trong công tác quản lý, bảo trì đường bộ, đảm bảo giao thông luôn thông suốt, an toàn. 
Khu QLĐB5 được giao quản lý, bảo trì, khai thác và thực thi một số nhiệm vụ quản lý về giao thông đường bộ trên các tuyến QL đi qua miền Trung và Tây Nguyên. Việc quản lý, bảo trì hệ thống cầu đường những năm qua của Khu gặp nhiều khó khăn, bất cập. Nhất là thực trạng nhiều đoạn tuyến đã quá niên hạn trung đại tu nhưng chưa được đầu tư nâng cấp dẫn đến hư hỏng nặng như QL1A từ Phú Yên đến Khánh Hòa, QL14 từ Kon Tum đến Đắk Nông, QL19 đoạn An Khê - Đắk Pơ...
Sửa chữa QL1A đoạn qua tỉnh Phú Yên.

Thực trạng đường sá như vậy nhưng năm 2012 hầu hết các dự án nâng cấp QL14 và đường Hồ Chí Minh - kể cả những gói thầu đang thi công dang dở phải tạm đình hoãn theo tinh thần Nghị quyết 11/2011/NQ-CP của Chính phủ nên đường càng xuống cấp trầm trọng. Bên cạnh đó do tác hại của mưa lũ và xe quá tải lưu hành ngày càng gia tăng đã làm cho nhiều tuyến bị phá hỏng một cách nhanh chóng.

Mặc dù đã cố gắng phân khai nguồn vốn sửa chữa đường bộ hàng năm cho hợp lý theo thứ tự ưu tiên: bảo dưỡng thường xuyên, xử lý các điểm đen TNGT, sửa chữa, bổ sung hệ thống ATGT..., tuy nhiên Khu 5 vẫn phải "giật gấu vá vai”, huy động vốn để cứu những đoạn đã quá xuống cấp. Vì vậy, phần lớn kinh phí cho công tác sửa chữa đường bộ hàng năm bị "ngốn” vào các trọng điểm nên tình trạng "đói vốn” đối với những đoạn còn lại vẫn dai dẳng triền miên.

Để tiến hành công tác khắc phục hậu quả bão lụt, đảm bảo giao thông trong các mùa mưa lũ, Khu QLĐB5 phải huy động toàn lực, kể cả vay ngân hàng để thực thi kịp thời. Tuy nhiên đến nay, số tiền khắc phục hậu quả bão lụt đợt 1 từ năm 2011 lên đến hàng chục tỷ đồng vẫn chưa được cấp trên thanh toán.

Ông Võ Đình Dũng, Tổng giám đốc Khu cho biết, ngay từ đầu năm 2013, Khu đã rà soát sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư vốn cho công tác sửa chữa đường bộ với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư thông qua thực hiện đặt hàng công tác bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, ưu tiên kinh phí cho mục tiêu êm thuận mặt đường và đảm bảo ATGT. Khu đã thành lập các văn phòng đại diện quản lý đường bộ nằm ở các tuyến QL để quản lý, nắm bắt, tham mưu xử lý kịp thời công tác sửa chữa đường bộ có hiệu quả.

Bước sang năm 2013 kinh phí cho công tác bảo trì đường bộ lại càng "thắt chặt” hơn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2012 vốn cho công tác này tại Khu QLĐB5 là 460 tỷ đồng, nhưng năm 2013 được thông báo chỉ khoảng trên dưới 450 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là đến nay đã hết quý I con số đó vẫn còn nằm trên... giấy. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2012, trong tổng số 1.737 km các tuyến QL do Khu QLĐB 5 quản lý còn có đến 287km xấu và 66km rất xấu. Trong đó nặng nhất là QL1A qua Bình Định có đến 25km xấu và 30km rất xấu, QL1A qua Phú Yên có 43km xâu và 12km rất xấu. Đó là chưa nói đến trên dưới 100 cây cầu lớn nhỏ đang nằm trong danh sách cầu yếu lâu năm chưa được cấp vốn sửa chữa, thay thế.

Trần Trình Lãm 
Các hoạt động khác
 Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định Chi tiết
 Ngày 14/3, Bộ trưởng Đinh La thăng đã ký Quyết định số Chi tiết